Hướng dẫn cách xem bảng đồ tàu điện ngầm khi đi mua hàng ở Bangkok Thái Lan
Hiện ở thành phố Bangkok có 3 hệ thống tàu như sau:
Tàu điện Airport Rail link chạy từ sân bay Suvarnabhumi vào.
Tàu điện BTS chạy nổi trên cao (3 tuyến, nhưng trong bài này chỉ nói đến 2 tuyến).
Tàu điện ngầm MRT chạy dưới lòng đất (1 tuyến)
Sau đây là tấm bản đồ thể hiện toàn bộ các tuyến tàu trên. Chúng kết nối với nhau rất tiện lợi, bạn chỉ việc linh hoạt kết hợp là đi hết Bangkok. Các bạn click vào bản đồ để hiện to hơn.
Bản đồ các tuyền tàu điện ở Bangkok (bạn click vào bản đồ để xem phóng to hơn)
Giờ chúng ta sẽ bóc tách từng góc bản đồ để hiểu rõ chúng (mở to bản đồ ra để vừa xem, vừa đọc bài).
1. Tàu điện Airport Rail link chạy từ sân bay Suvarnabhumi
Nhìn vào bạn sẽ thấy ngay, hình cái máy bay to lù lù đấy. Tuyến có màu xanh hải quân, điểm đầu tiên là tầng ngầm của sân bay Suvarnabhumi và điểm cuối cùng là các bạn dóng ngang sang là trạm Phaya Thai. Trên đường màu xanh hải quân này, bạn thấy 8 tên trạm có màu đỏ, tính từ Suvarnabhumi đến Phaya Thai.
Đường màu đỏ đậm chạy sát tuyến này là tàu nhanh Express, chạy một lèo từ Suvanarbhumi đến trạm Makkasan, giá vé đắt hơn và không dừng đỗ. Tóm lại nó không phù hợp với số đông chúng tâ nên sẽ bỏ qua nhé.
Nhớ kỹ: Các bạn hạ cánh ở sân bay Suvarnabhumi (ví dụ đi hãng VietJetAir) sử dụng tuyến này để vào thành phố. Nếu bạn thuê trọ ở khu Pratunam thì bạn sẽ dừng tại 2 trạm cuối là Ratchaprarop hoặc Phaya Thai (tuỳ vị trí hotel gần trạm nào thì xuống trạm đó)
2. Tàu điện BTS tuyến Sukhumvit
Trên bản đồ tuyến này có màu xanh cốm, gồm các trạm đánh ký tự N và E. Bạn nhìn thấy điểm cao nhất là N8 Mochit và trạm cuối là E14 Bearing. Tuyến này nối với tuyến sân bay Suvarnabhumi nói trên ở trạm Phaya Thai (N2).
Nhớ kỹ: Trạm N8 Mochit chính là chợ cuối tuần lớn nhất thế giới Chatuchak. Trạm Siam là tổ hợp mua sắm Siam Pragon, Central World, MBK. Trạm E7 Ekkamai là bến xe đi Pattaya. Trạm E4 Asok là khu vực đường Sukhumvit hay được các bạn Việt chọn thuê ở.
Trạm cuối N8 Mochit cũng gần sân bay Don Muang nhất. Bạn nào đi bằng hãng Airasia thì sẽ hạ cánh ở sân bay này. Tại chân trạm Mochit này, bạn có thể đi xe khách 12 chỗ ra sân bay Don Muang (sẽ có bài chi tiết sau nhé).
Từ sân bay Don Muang về trạm này thì các bạn đi như sau: tại cửa sân bay mua vé 30 bạt chạy thẳng về Mochit. Cô lái xe sẽ la lên: “Đến BTS Mochit rồi, ai xuống đi tàu thì mời xuống và đi bộ qua cầu vượt lên trạm tàu”.
Tình huống mẫu để các bạn tập cách đi: Muốn từ sân bay Suvarnabhumi đi chợ Chatuchak thì đi như thế nào hả Bụi?
Mua vé Airport Rail Link giá 45 bạt từ Suvarnabhumi về tới trạm cuối N2 Phaya Thai. Tàu dừng, hết tuyến mời quý khách xuống.
Chạy xuống tầng dưới, tới quầy mua vé tàu BTS để từ N2 Phaya Thai tới N8 Mochit, chợ cách trạm N8 chỉ 200 mét.
Tình huống mẫu để các bạn tập cách đi: Em ở khu Pratunam muốn đi tới Pattaya thì đi như thế nào hả anh Bụi?
Từ khu Pratunam đi bộ ra trạm tàu N2 Phaya Thai. Mua vé tàu BTS đi ngược về trạm E7 Ekkamai.
Tàu chạy đến E7 thì xuống, bến xe đi Pattaya ngay dưới chân trạm tàu.
3. Tàu điện BTS tuyến Silom
Trên bản đồ tuyến này có màu xanh lá cây, có ký hiệu là chữ S và W. Điểm đầu là trạm W1 National Stadium và cũng chính là tổ hợp mua sắm MBK. Điểm cuối là S6 Saphan Taksin cạnh bến sông Chao Phraya, từ đây có tàu sông khám phá mây nước rất thú vị.
Tuyến xanh lá cây Silom nối với tuyến xanh lá mạ Sukhumvit ở trạm Siam, các bạn thấy ký hiệu hai tam giác lên xuống ấy. Tức là hai tàu sẽ chạy sát nhau 5 mét, có việc muốn đổi từ tuyến Silom sang tuyến Sukhumvit thì bạn chỉ việc chạy ra khỏi tàu này để đi sang tàu kia.
Nhớ kỹ: Trạm W1 là tổ hợp MBK, cạnh đó là trạm Siam với tổ hợp mua sắm Siam Pragon, Central World. Trạm Sala Daeng là phố đèn đỏ Patong. Trạm Saphan Taksin là bến sông Chao Phraya và chùa thuyền Wat Yannawa.
Đặc biệt nhớ kỹ: Siam là trạm chuyển tàu rất quan trọng nếu bạn đi từ một điểm tuyến này sang một điểm của tuyến khác.
Tình huống thực tập: Từ khu Pratunam em ở muốn đi phố đèn đỏ xem sex show ở phố Patpong thì đi như thế nào hả anh Bụi?
Khu Pratunam gần trạm tàu Phaya Thai, em đi bộ ra đó, mua vé tàu về trạm Sala Daeng vì trạm này nằm cạnh phố Patpong.
Do trạm Phaya Thai nằm ở tuyến xanh cốm, trong khi trạm Sala Daeng nằm ở tuyến xanh lá cây nên phải đổi tàu ở Siam.
Tàu từ Phaya Thai chạy đến trạm Siam thì nó mở cửa, em chạy tót ra ngoài.
Đứng đợi tàu của tuyến xanh cây chạy đến, nó mở cửa thì chui tọt vào.
Tàu chạy đến trạm Sala Daeng thì là đến nơi.
Bài tập (các bạn trả lời bên dưới nhé, ai trả lời đúng có quà).
Em thuê hotel ở gần trạm tàu S3 Chon Nonsi, muốn đi ra bến xe đi Pattaya thì đi như thế nào nhỉ?
Em thuê hotel ở gần trạm tàu S5 Surasak, muốn đi ra chợ cuối tuần Chatuchak thì đi như thế nào nhỉ?
4. Tàu điện ngầm MRT
Trên bản đồ tuyển này có màu da cam, với các trạm có hình vòng tròn màu trắng nhỏ. Điểm đầu của tuyến là nhà ga Hua Lam Phong và điểm gần cuối là Mochit (cũng chính là chợ Chatuchak).
Các bạn thấy tuyến tàu ngầm MRT này nối với các tuyến khác ở điểm giao cắt, cụ thể: điểm nối S2 Silom – Sala Daeng, điểm nối E4 Asok, điểm nối Phetchaburi – Makkasan, điểm nối N8 Mochit.
Nhớ kỹ: Điểm đầu ga Hua Lam Phong chính là chùa vàng Wat Tramit và phố tàu China Town
Ví dụ bạn nào thuê hotel ở khu China Town mà muốn đi chợ cuối tuần Chatuchak thì làm sao? Cực dễ luôn: mua vé tàu điện ngầm từ nhà ga Hua Lam Phong đến trạm cuối cùng Mochit, ngồi vắt vẻo trên tàu tầm 20 phút là đến chợ. Dễ đến mức trẻ em 1 tuổi cũng tự đi được.
Leave a Reply